LỜI NÓI ĐẦU

 

        Trong kho tàng tục ngữ ca dao Việt nam có rất nhiều câu nói về kinh nghiệm giáo dục trẻ thơ như “Dạy con từ thưở còn thơ . . .”, hoặc “Tre già khó uốn ” . . . Đây là những nhận định và là những kinh nghiệm giáo dục con cháu rất đúng đắn của ông cha ta đã để lại đến bây giờ và cho tận muôn đời sau. Những câu nói đó như muốn khẳng định về tầm quan trọng của việc giáo dục các cháu ngay từ những ngày còn bé thơ, nó rất cần thiết trong việc đào tạo một con người có ích cho xã hội tương lai. Muốn vậy, việc đầu tiên cần làm của giáo viên Mầm non là việc đưa các cháu vào nề nếp học tập và sinh hoạt từ đó mới có thể giúp cháu học tập tốt và tiếp thu các kiến thức được sâu sắc hơn.

          Các cháu lứa tuổi Mầm non còn rất nhỏ, lần đầu tiên phải rời vòng tay của mẹ và những người thân yêu để tiếp xúc với người lạ nên rất nhút nhát. Khi ở gia đình cháu được cưng chiều nên muốn gì được nấy, các cháu sống rất tự do không theo một khuôn khổ nào cả. Do đó việc đưa các cháu vào nề nếp sinh hoạt ngay từ đầu năm học là điều rất khó khăn cho giáo viên. Nhất là đối với lớp có hai độ tuổi như lớp tôi đang chủ nhiệm lại càng khó khăn hơn nhiều. Việc này không thể làm trong một ngày, một bữa được mà đòi hỏi người giáo viên phải biết cố gắng, kiên trì rèn luyện thì mới có thể đưa các cháu vào nề nếp được. Có nề nếp học tập thì các cháu mới học ngoan và hoạt động tích cực được. Nếu chúng ta lơ là trong việc đưa các cháu vào nề nếp ngay từ lúc còn nhỏ thì những năm sau, khi vào học các lớp lớn hơn các cháu cũng sẽ hoạt động một cách tự do và ảnh hưởng đến chất lượng học tập của trẻ. Hơn nữa chúng ta cũng đã biết câu “Tiên học lễ, hậu học văn”, hiện nay ngành Giáo dục cũng đang rất chú trọng đến vấn đề giáo dục đạo đức cho học sinh của các cấp học nên tôi nghĩ rằng việc đưa các cháu vào nề nếp ngay từ khi các cháu còn bé cũng đáp ứng được yêu cầu về giáo dục đạo đức cho trẻ lứa tuổi Mầm non.

Xuất phát từ thực tế lớp tôi chủ nhiệm năm học 2018-2019, đầu năm đa số các cháu rất nhõng nhẽo, lúc nào cũng muốn người khác phải chiều chuộng mình, muốn gì được  nấy, không hề biết nghe lời người lớn, khi vào tiết học các cháu ít khi chịu học nên tôi đã cương quyết chọn đề tài “Một số biện pháp rèn luyện nề nếp thói quen cho trẻ 5-6 tuổi Trường mầm non Nhơn Hòa năm học 2019- 2020" để nghiên cứu và áp dụng vào thực tế của lớp Lá 1 trường Mầm non Nhơn Hòa từ đầu năm học 2019-2020.

          Đề tài này cũng đã có một số chị em đồng nghiệp nghiên cứu và thực hiện nhưng tôi chỉ nghiên cứu sâu vào lớp Lá ở các xã vùng sâu mà thôi. Còn những độ tuổi khác hoặc ở những nơi khác thì tôi chưa có điều kiện nghiên cứu.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

PHẦN I: THỰC TRẠNG ĐỀ TÀI

          Để thực hiện đề tài này bản thân tôi đã có được một số thuận lợi như:

           - Năm học 2019-2020 lớp tôi được học tập trong phòng học mới xây dựng. Đây là điều kiện tốt, có không gian rộng thuận lợi cho việc giảng dạy của tôi đạt hiệu quả cao hơn.

          - Tôi là giáo viên dạy lâu năm nên cũng có nhiều kinh nghiệm trong chuyên môn. Nhà tôi lại ở gần trường nên tôi rất yên tâm công tác.

           - Được sự quan tâm và giúp đỡ nhiệt tình của Ban giám hiệu trường về mọi mặt.

           - Một số phụ huynh có quan tâm đến tình hình học tập và hoạt động của các cháu.

             Bên cạnh những thuận lợi đã nêu trên thì tôi cũng gặp một số khó khăn sau:

           Tình hình chung của lớp năm học 2019-2020 như sau:

Năm học

TS học sinh

Số học sinh mới đi học

Tỉ lệ %

Số cháu

 5 tuổi

Tỉ lệ %

Số cháu 4 tuổi Tỉ lệ %

Số cháu hộ nghèo và cận nghèo  

Tỉ lệ %

Số cháu con cán bộ, nhân viên

2019-2020

12

3/12  - 25%

12/12 – 100  %

 

0/0 –0%

6/12- 50 %

0

            

Theo bảng thống kê trên cho thấy số cháu mới đi học năm nay rất cao: 25% ( 3/12); con hộ nghèo và cận nghèo chiếm tỉ lệ cao 6/12 (50%) và 100 % là con dân làm ruộng hoặc đi làm mướn. Với tình hình trên cho thấy việc đưa các cháu vào nề nếp thật sự là rất khó khăn vì:

                      - Ngược lại một số cháu rât hiếu động, chỉ thích chạy nhảy ở ngoài sân chứ không thích vào lớp, nói năng tự do không biết thưa gởi, cám ơn, xin lỗi . . ..

      Sau một thời gian nghiên cứu, tôi đã tìm ra nguyên nhân của những khó khăn trên như sau:

            - Đa số các cháu mới đi học lần đầu nên khi vào lớp học đưa các cháu vào nề nếp là một việc rất khó khăn.

            - Do trong lớp có hai lứa tuổi nên tất cả mọi mặt đều không đồng đều, ngang sức ngang tầm với nhau rất khó cho việc đưa các cháu vào một nề nếp chung được.

            - Cha mẹ các cháu là dân làm ruộng và làm mướn nên ít có thời gian chăm sóc giáo dục con em mình.

            - Bản thân tôi trong các năm qua chưa thật sự quan tâm, chú trọng đến vấn đề rèn luyện các cháu vào nề nếp một cách thật sự vững chắc.

         Sau khi đã tìm ra nguyên nhân khách quan, chủ quan dẫn đến khó khăn trên kết hợp tôi luôn mong muốn được nâng cao tay nghề, muốn cho việc giảng dạy của mình ngày càng có hiệu quả cao hơn nên tôi đã quyết tâm tìm cho mình một số  biện pháp nhằm đưa các cháu vào nề nếp học tập và sinh hoạt ngay từ đầu năm học 2019-2020.

 

 

 

 

 

 

 

 

PHẦN II: GIẢI PHÁP

I/ Tập cho các cháu có thói quen tốt trong hoạt động học.

         Theo tôi nghĩ việc làm đầu tiên để rèn cho các cháu có nề nếp đó là tập luyện cho các cháu có thói quen tốt trong hoạt động học vì tôi nhận thấy thực tế lớp tôi trong các năm qua cứ mỗi lần vào giờ dạy là tôi rất lo lắng vì ít có khi nào mà trong suốt tiết các cháu đều học ngoan cả, khi thì đang học tự nhiên có cháu oà lên khóc vì nhớ mẹ, khi thì có cháu nằm lăn ra lớp không thèm nghe cô nói gì hết, khi thì muốn nói gì thì nói... Đôi khi đang dạy tôi phải ngưng lại để giải quyết tình huống, làm như vậy thì tiết học sẽ bị gián đoạn khiến cho các cháu không còn hứng thú nữa. Do đó tôi thấy cần phải đưa các cháu vào nề nếp học tập càng sớm càng tốt, nếu không chất lượng của lớp tôi sẽ không đạt theo chỉ tiêu của kế hoạch năm học.

    1.1-  Tập cho cháu có thói quen tập trung chú ý trong giờ hoạt động học:

          Ở tuổi các cháu rất khó tập trung chú ý vào một vấn đề gì đó một thời gian lâu được, mà mỗi hoạt động học của lớp Lá thường diễn ra trên 30 phút nên cô giáo phải thật linh hoạt, khéo léo mới có thể duy trì được sự chý ý của trẻ cho đến hết hoạt động học. Do đó trong suốt quá trình tổ chức hoạt động học, tôi luôn theo dõi nét mặt từng cháu, bao quát lớp thật kỹ để nhận ra sớm dấu hiệu chán học, mất tập trung để có cách xử lý tình huống nhanh và kịp thời. Tôi luôn nghĩ ra cách làm sao cho các cháu thích thú và chú ý đến cô trong giờ học từ lúc mới vào tiết cũng như trong suốt tiết như:

      1.1.1- Giới thiệu bài thật hay, bất ngờ:  Phút giây ban đầu rất ấn tượng với trẻ thơ. Do đó tôi luôn suy nghĩ tìm cách vào bài thật hay và bất ngờ mỗi khi lên tiết dạy cho trẻ tập trung chú ý vào cô như:

        + Nghĩ ra các câu chuyện sáng tạo để dẫn dắt các cháu vào tiết học một cách hứng thú: Lợi dụng tâm lý của các cháu rất thích nghe kể chuyện, tôi luôn suy nghĩ để tìm cách giới thiệu bài sao cho thật mới lạ và hấp dẫn bằng cách sáng tạo ra những đoạn chuyện ngắn nhưng vừa đủ ý có nội dung phù hợp với đề tài sắp dạy để dẫn dắt trẻ vào hoạt động một cách tự nhiên.

        Ví dụ: Giới thiệu hoạt động phát triển ngôn ngữ qua bài thơ “Ong và bướm” tôi kể: “Ở một khu vườn nọ, có rất nhiều loài hoa đẹp đủ màu sắc và hương thơm ngào ngạt, trong đó có những nàng hồng đỏ tươi đang khoe mình trong nắng. Ồ! Lại có cả những chú bươm bướm cánh trắng thật xinh xắn đang vui múa cùng nàng hồng, các con có muốn đi chơi cùng chú bướm không? Nếu các con không đi để bướm rủ chị ong xem chị ong có đi không nhé! Và bé nào thông minh đoán thử xem chị ong có đi chơi cùng chú bướm không nào? ”. Sau đó tôi tìm cách gợi hỏi các cháu nói theo 2 vế : Nếu cháu nói chị ong có đi thì tại sao chị ong lại đi? Nếu cháu nói chị ong không đi thì cũng được tôi gợi hỏi vì sao chị ong không đi? Lợi dụng tình huống này tôi giáo dục các cháu chăm chỉ giống chị ong.  . .

       + Sưu tầm những đoạn video, đoạn phim có ý tưởng và hình ảnh ngộ nghĩnh phù hợp với đề tài để giới thiệu bài sinh động hơn:  Ngoài việc giới thiệu bài bằng những đoạn chuyện sáng tạo tôi còn luôn sưu tầm trên mạng những đoạn video hay những đoạn phim có nhiều hình ảnh sinh động, dễ thương có nội dung giáo dục cao để dùng làm phương tiện dẫn dắt cháu vào bài một cách hứng thú hơn.

       Ví dụ: Giới thiệu cho hoạt động phát triển thẩm mĩ “Những chiếc máy bay ngộ nghĩnh”: Tôi cho các cháu coi 1 đoạn video về hình ảnh 1 đàn kiến dễ thương muốn đi từ ngọn núi này qua ngọn núi khác, bằng trí thông minh sáng tạo của mình đàn kiến đã đoàn kết dùng giấy báo để xếp thành chiếc máy bay cho cả đàn ngồi lên và bay qua ngọn núi kia 1 cách an toàn. Sau đó tôi hỏi các cháu có thích xếp những chiếc máy bay ngộ nghĩnh như đàn kiến thông minh không?. . . Khi coi phim các cháu cười vui vẻ, thích thú, có cháu vừa cười vừa vỗ tay hoan hô đàn kiến, sau đó các cháu rất hào hứng xếp những chiếc máy bay từ giấy báo. Với cách này cháu học rất thoải mái, các cháu biết đoàn kết với nhau như đàn kiến và biết tạo ra sản phẩm một cách tự nguyện . ..

     + Tạo sự bí mật của một số đồ dùng dạy học để gợi sự tò mò của trẻ trong phần giới thiệu bài: Tuổi của các cháu rất hay muốn tìm hiểu những sự việc chưa được thấy. Do đó khi giới thiệu bài tôi rất ít khi đưa đồ dùng dạy học ra một cách trực tiếp mà tôi luôn làm cho các cháu có một sự bất ngờ hoặc tò mò muốn tìm hiểu xem đó là con gì, đó là cái gì? Với cách này giúp cho các cháu tập trung suy nghĩ,  hứng thú trước khi vào hoạt động.

    Ví dụ: Với hoạt động phát triển nhận thức nội dung “Khám phá về một số con vật sống trong rừng” Tôi không giới thiệu trực tiếp từng con voi, con sư tử. .  . mà tôi dùng giấy hay vải che những bức tranh đó lại và khi giới thiệu tới con voi tôi hé mở từ từ từng mảng tranh nhỏ để các cháu đoán xem đó là con gì, với cách này vừa gợi được sự tò mò, vừa phát triển khả năng quan sát, óc phán đoán và duy trì được sự tập trung chú ý của trẻ trong hoạt động học góp phần ổn định nề nếp của lớp.

       1.1.2- Tạo cơ hội cho trẻ hoạt động liên tục trong hoạt động học:  Khi đã tạo được ấn tượng hứng thú ban đầu về cách giới thiệu vào hoạt động học rồi thì nhiệm vụ tiếp theo là làm sao cho các cháu có thể hoạt động liên tục, không để cho trẻ có thời gian trống thì các cháu mới không thể làm việc riêng hoặc nhàm chán được. Muốn vậy bản thân người giáo viên cũng phải hoạt động thật tích cực để làm gương và cuốn hút các cháu cùng hoạt động với cô. Ngoài ra giáo viên còn phải chuẩn bị thật kỹ đồ dùng dạy học, cách chuyển đội hình của từng hoạt động nhỏ, cách tổ chức hoạt động học thật linh hoạt.

            + Bản thân giáo viên phải hoạt động tích cực: Như tôi đã nói ở trên, muốn cho các cháu hoạt động liên tục và tích cực thì nghệ thuật tổ chức và điều động lớp học của cô giáo thật là quan trọng vì giáo viên vừa  giống như 1 đạo diễn dàn dựng cho các cháu vào vai, vừa là diễn viên cùng nhập vai diễn xuất với trẻ do đó giáo viên cần có sự năng động, hoạt bát trong từng hoạt động. Điều này nói thì dễ nhưng khi thực hiện vào thực tế thì không dễ nhất là đối với các giáo viên lớn tuổi như tôi. Nhưng vì quyết tâm muốn cho lớp mình sớm vào nề nếp nên tôi đã phải có sự cố gắng từng ngày, từng giờ tập luyện cho mình một tác phong nhanh nhẹn, lời nói rõ ràng dễ hiểu, nét mặt vui tươi hoạt bát, cử chỉ ân cần gần gũi để thu hút các cháu hoạt động cùng cô.

    Ví dụ: Ở hoạt động phát triển thẩm mỹ đề tài “Bé vui cùng ngày tết” của chủ đề Tết- Mùa xuân tôi đã cùng với các cháu múa hát mừng xuân, cùng với các cháu tạo những gói quà tết, gói bánh chưng, làm những chậu bông mai bông đào thật dễ thương chuẩn bị đón tết, cùng với các cháu chơi múa lân trong bầu không khí nhộn nhịp tạo cho các cháu cảm thấy thật thoải mái và gần gũi với cô giáo. Trong suốt hoạt động học trên các cháu được hoạt động liên tục nên không có sự nhàm chán dẫn đến mất nề nếp học tập.

        + Thay đổi nhiều hình thức tổ chức khác nhau của từng hoạt động nhỏ trong hoạt động học: Để tránh sự lặp đi lặp lại giữa các bước gây sự nhàm chán của các cháu dẫn đến mất nề nếp trong hoạt động tôi luôn nghiên cứu, sưu tầm để tìm ra nhiều hình thức tổ chức khác nhau của từng hoạt dộng nhỏ để tạo sự hưng phấn cho các cháu và nề nếp học tập của trẻ luôn được duy trì.

    Ví dụ: Tổ chức hoạt động phát triển ngôn ngữ đề tài “Ong và Bướm” của chủ đề  Động vật tôi đã tổ chức với nhiều hình thức như sau:

          - HĐ 1: Khám phá về đặc điểm của các loại côn trùng bằng cách cho các cháu coi video và trò chuyện về nội dung đoạn video đó.

           - HĐ 2: Chia 4 nhóm làm mũ ong, tổ ong, hoa, bướm bằng nguyên vật liệu thiên nhiên trong thời gian cả lớp đọc bài thơ Ong và bướm 2 lần.

           - HĐ 3: Chơi Ong tìm tổ, bướm tìm hoa. Nếu cháu nào không tìm đúng theo yêu cầu thì sẽ bị phạt đọc bài thơ Ong và bướm.

           - HĐ 4: Ghép hình ong và bướm. Đại diện 2 nhóm nam và nữ lên ghép hình ong và bướm. Nhóm nào ghép chậm là thua và nhóm đó phải đọc thơ . . . Như vậy với 4 hoạt động là 4 hình thức khác nhau nhưng vẫn đi vào trọng tâm là phát triển ngôn ngữ. Cách này đã làm cho các cháu hoạt động sôi nổi và góp phần rèn cho các cháu có nề nếp tốt trong học tập.

        + Tạo sợi dây gắn kết giữa các hoạt động nhỏ trong hoạt động học: Muốn cho hoạt động học được tổ chức liên tục tạo nề nếp học tập cho các cháu thì cần có sự gắn kết hợp lý từ hoạt động nhỏ này qua hoạt động nhỏ kia một cách logic. Không thể vào bài là 1 câu chuyện khác, giữa hoạt động lại là 1 câu chuyện khác. . . hay nói cách khác là “ Râu ông nọ cắm cầm bà kia ” thì không bao giờ có thể cuốn hút các cháu 1 cách hứng thú được. Do đó khi thiết kế một hoạt động học tôi luôn đầu tư thật kỹ cho từng bước nhỏ sao cho từng bước liên kết với nhau thật hợp lý. Có như vậy thì mới tạo được cho trẻ sự say mê hoạt động trong một nề nếp nhất định.

    Ví dụ: Hoạt động phát triển nhận thức “Bé với một số loại rau” của chủ đề Thực vật tôi đã tạo sư liên kết giữa các bước như sau:

        - HĐ 1: Tôi kể một câu chuyện sáng tạo về gia đình ông Tám đang tới mùa thu hoạch rau và có đem tặng cho lớp 1 số loại rau. Sau đó tôi cho các cháu khám phá đặc điểm của từng loại rau trong giỏ quà mà ộng Tám đã tặng.

        - HĐ 2: Trò chơi thu hoạch: Ông Tám nhờ lớp mình thu hoạch phụ và phân loại ra từng loại rau ăn quả, rau ăn lá, rau ăn củ để ông Tám mang bán cho cửa hàng rau.

        - HĐ 3: Chế biến các món ăn từ các loại rau: Ông Tám cám ơn lớp mình và mời các cháu dùng bữa cơm. Cả lớp mình cùng với gia đình ông Tám chế biến các món ăn từ rau nhé. . .  Với cách tổ chức hoạt động học có sự liên kết giữa các bước với nhau một cách logic như vậy thì giúp cho hoạt động học của trẻ không bị nhàm chán từ đó giúp cho lớp học duy trì được nề nếp.          

   1.2: Tập cho các cháu thói quen nói tròn câu, nói đúng lúc đúng nơi:

          - Trẻ Mẫu giáo đa số phát âm chưa rõ, nói chưa tròn câu, có cháu còn ngọng và đớt. Điều này ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng học tập của trẻ nhất là ở mặt phát triển ngôn ngữ. . . . Do đó tôi thường xuyên và kiên trì tập luyện cho các cháu nói rõ từng tiếng, từng từ nhất là những từ khó. Đối với những cháu nói ngọng, nói đớt tôi lại càng quan tâm sửa phát âm cho cháu nhiều hơn. Riêng những cháu ít nói tôi luôn tìm cách tạo cơ hội cho cháu nói như cho cháu lặp lại những câu nói của bạn, của cô hoặc cho các cháu thi đua nói đúng, thi đua nói nhanh. . . trong khi cháu nói tôi không quên tập cho cháu nói nguyên câu, bắt đầu tập những câu ngắn sau đó tập cho cháu nói câu dài hơn . . .

         - Thói quen nói đúng lúc đúng nơi cũng rất cần thiết cho việc rèn nề nếp học tập, tôi luôn quan tâm đến việc tập cho các cháu không nói tự nhiên gây sự lộn xộn mất nề nếp bằng cách dạy cháu biết giơ tay khi muốn nói và phải biết chờ đợi cô mời tới tên mình thì mới được nói. Vấn đề này nói thì rất dễ nhưng trong thực tế thì thật sự là việc làm không dễ bởi vì ở lứa tuổi của các cháu là tuổi hiếu động, đa số chưa biết cách kềm chế, vui thì nói nhiều, nói tự nhiên còn chán thì không thèm nói. Do đó làm thế nào để cho các cháu có thói quen biết nói lúc nào, biết dừng lại lúc nào là việc làm không thể xem nhẹ trong quá trình rèn nề nếp cho lớp học.

      1.3: Tập cho các cháu biết cách chuyển đội hình trong hoạt động học:

Việc di chuyển đội hình trong hoạt động quả là một việc làm không đơn giản chút nào đòi hỏi phải có thời gian rèn luyện thường xuyên vì các cháu chưa tự định hình được khi chuyển các cháu còn đùn đẩy nhau, cháu thì đi, cháu thì không chịu đi cứ đứng ngơ ngác, cháu thì chạy, nhiều lúc các cháu còn dồn cục lại . .. Mà dạy theo chương trình giáo dục như hiện nay thì không thể cho các cháu ngồi hoạt động tại 1 chỗ thời gian lâu được nên việc chuyển đội hình hầu như trong hoạt động nào cũng cần phải có. Nhận thức được điều này tôi luôn suy nghĩ để nghĩ ra cách giúp các cháu di chuyển trong lớp sao cho thật nhẹ nhàng, nhanh nhẹn và đúng theo hướng của cô yêu cầu để cho hoạt động học không bị gián đoạn, mất hứng thú mà còn  giúp các cháu hoạt động tích cực và nề nếp hơn.

          - Ngoài ra khi chia các tổ nhỏ để chuyển đội hình tôi chọn những cháu lanh lợi hơn đứng đầu hàng để khi chuyển đội hình thì các cháu đứng đầu hàng sẽ đi trước dẫn đường cho các cháu khác đi theo đúng hướng.

          1.4 : Tập cho cháu có nề nếp khi  tham gia hoạt động tập thể:

            Trong chương trình Giáo dục Mầm non thường xuyên có các hoạt động tổ chức thực hiện theo nhóm, theo tổ. Vì vậy muốn rèn nề nếp cho lớp thì chúng ta cũng không nên xem nhẹ việc rèn nề nếp khi cháu sinh hoạt tập thể vì chính hoạt động tập thể thường rất dễ bị lộn xộn, ồn ào do cháu quá hứng thú hay do một số cháu không có việc làm nên phá bạn . ..Do đó tôi đã suy nghĩ để tìm cho mình các biện pháp nhằm khắc phục tình trạng mất nề nếp trên như sau:

        - Tôi luôn chuẩn bị kỹ đồ dùng đồ chơi của các nhóm nhỏ sao cho thật đầy đủ để tất cả các cháu về nhóm có đủ đồ dùng đồ chơi mà hoạt động như phần trò chơi trong tiết hoặc phần luyện tập, tất cả các cháu đều có cơ hội thực hành trải nghiệm, cháu nào cũng được hoạt động trong nhóm để các cháu vừa có kiến thức vừa có kỹ năng và qua đó chúng ta còn giáo dục trẻ đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau. Cháu nào cũng có đồ dùng để hoạt động thì các cháu sẽ không tranh giành, chen lấn, ồn ào sẽ giúp cho lớp dễ vô nề nếp.

       - Tôi luôn sắp xếp các cháu thụ động hoạt động chung với các cháu hiếu động để giúp cho mỗi nhóm đều có sự dung hòa, tránh trong một nhóm toàn là cháu hiếu động sẽ rất dễ gây ra sự ồn ào hay ngược lại nếu trong nhóm toàn là cháu thụ động thì sản phẩm tạo ra ít phong phú sáng tạo. Chính vì vậy nghệ thuật chia nhóm cũng rất cần thiết cho việc rèn nề nếp học tập của các lớp.

       - Kỹ năng bao quát lớp của giáo viên cũng phải được tận dụng triệt để ở tất cả thời gian cháu hoạt động nhóm vì như tôi đã nói ở trên là trong thời gian cháu hoạt động theo tổ, theo nhóm rất dễ xảy ra ồn ào, mất trật tự nên rất cần có sự chú ý của giáo viên để phát hiện ra những tình huống bất ngờ xảy ra mà có biện pháp xử lý kịp thời, đúng lúc. Hay ngược lại đối với các nhóm chưa thực hiện được nếu giáo viên có kỹ năng bao quát lớp tốt còn có thể giúp đỡ, hướng dẫn thêm cho các cháu hoàn thành nhiệm vụ.

II/ Rèn nề nếp trong hoạt động chơi cho trẻ:    

         Thường thường khi tới giờ vui chơi các cháu cứ như chim được soå lồng chỉ thích chạy nhảy, la hét. Khi tôi đi dự giờ hoạt động chơi của các lớp khác cũng thường thấy tình trạng mất trật tự rất nhiều. Đây là khoảng thời gian khá dài các cháu được hoạt động cùng nhau, nếu chúng ta không chú ý rèn nề nếp trong giờ hoạt động chơi thì chất lượng hoạt động chơi cũng không đạt hiệu quả cao được. Do đó tôi đã cố gắng thực hiện một số việc để đưa các cháu vào nề nếp chơi như sau:

     2.1: Trước khi cho cháu vào các góc chơi: Trước khi vào các góc chơi tôi luôn chú ý làm công tác tư tưởng cho các cháu trước. Tôi gợi ý các cháu nói cho cả lớp nghe về góc chơi phải chơi như thế nào mới là chơi ngoan, sau đó tôi nhắc nhở lại cho các cháu biết muốn được cô khen thì về góc chơi các cháu phải chơi nhiệt tình, biết rủ bạn cùng chơi, chơi không được la to làm phiền đến các bạn khác . . .Ngoài ra tôi còn cố ý khen trước lớp những cháu đã chơi ngoan vào ngày hôm trước để động viên các cháu chơi ngoan hơn vào ngày hôm nay, hoặc tôi còn nhắc nhở riêng những cháu chơi chưa ngoan hôm trước để các cháu khắc phục hạn chế của mình không còn la to, không phá bạn khi chơi . . . Với cách làm này thì các cháu có ý thức tự giác hơn trong giờ hoạt động chơi, từ đó nề nếp vui chơi của lớp cũng được hình thành.

     2.2: Trong khi cháu chơi: Đây chính là khoảng thời gian quan trọng nhất mà bản thân giáo viên phải vô cùng linh hoạt bởi vì khi chơi các cháu chia ra nhiều nhóm nhỏ đòi hỏi giáo viên vừa là người hướng dẫn vừa là bạn cùng chơi với trẻ trong từng nhóm. Tôi không quá quan tâm 1 nhóm này mà bỏ các nhóm khác. Vì vậy vào giờ hoạt động chơi của trẻ tôi luôn bận rộn chạy tới chạy lui hết nhóm này đến nhóm khác, luôn nhắc nhở các cháu chơi cho có nề nếp. Việc bao quát lớp ở từng góc chơi rất cần thiết vì ở các góc chơi rất dễ xảy ra hiện tượng lộn xộn mất nề nếp.

         - Tôi lưu ý nhiều đến những cháu có tính hiếu động để phát hiện kịp thời những biểu hiện đột ngột ngẫu hứng có thể dẫn đến làm mất nề nếp của nhóm chơi nhằm chấn chỉnh, giáo dục cháu liền.

  Ví dụ: Cháu Phát rất thông minh nhưng lại rất hiếu động, hay bộc phát tùy hứng như cháu đang chơi ở góc xây dựng bỗng dưng thấy các bạn khác ở góc phân vai gói bánh chưng đẹp quá thì bỏ luôn góc xây dựng mà chạy qua góc phân vai đòi đổi vai chơi với bạn Minh Vẹn. Bạn Minh Vẹn không chịu nên 2 bạn giằng co ồn ào làm ảnh hưởng đến các cháu khác. Tôi phải chạy lại và giải thích cho cháu Phát hiểu mình phải làm cho xong phần việc của mình thì mới được làm việc khác, bé ngoan không bỏ dở công việc của mình và không được giành đồ chơi với bạn, con về góc xây dựng thực hiện cho xong nhiệm vụ cùng với các bạn rồi cô sẽ cho con qua góc phân vai chơi gói bánh chưng. Sau khi nghe tôi nói như vậy cháu Phát mới chịu về góc xây dựng chơi tiếp.

        - Để cho lớp thật sự vào nề nếp trong giờ hoạt động chơi, tôi không những chỉ chú ý tới những cháu hiếu động thôi mà tôi coøn luôn gần gũi những cháu nhút nhát ít tham gia chơi cùng các bạn để động viên, giúp đỡ cho các cháu mạnh dạn, tự tin hơn và hòa đồng chơi cùng với các bạn.

  Bên cạnh đó tôi còn thường xuyên quan tâm chăm sóc các cháu này nhiều hơn để tạo được tình cảm của các cháu, làm cho các cháu có cảm giác an toàn về tâm lý khi tới lớp sinh hoạt cùng cô và các bạn. Vào các giờ hoạt động chơi tôi luôn tìm cách tạo điều kiện cho các cháu mạnh dạn vào các góc chơi hơn. Trong quá trình các cháu chơi tôi luôn chú ý tới các cháu để có thể giúp đỡ các cháu hoàn thành vai chơi của mình. Nhờ vậy những cháu nhút nhát đầu năm đến nay đã mạnh dạn tự tin hơn và đã hòa nhập vào các nhóm chơi một cách hứng thú và nề nếp.

         - Tạo những sự bất ngờ, mới mẻ để thu hút sự chú ý của trẻ từ đó trẻ say mê chơi không còn thời gian để phá phách trong giờ vui chơi như tạo nhiều đồ chơi đẹp, lạ ở các góc chơi và thay đổi thường xuyên để tránh sự nhàm chán khi chơi, tạo các tình huống bất ngờ để tăng sự ngạc nhiên cho trẻ.

  Ví dụ: Chủ đề Tết - mùa xuân khi các cháu đang vui chơi ngoài trời thì cô đóng vai ông địa ra múa lân để chúc tết các cháu làm cho các cháu bất ngờ, ngạc nhiên lẫn thích thú reo cười chạy đến nhảy múa cùng với ông địa. . .

         - Tôi sẵn sàng nhập vai chơi cùng với trẻ đối với những góc chơi mà cháu cảm thấy khó để vừa chơi vừa chỉ dẫn, gợi ý thêm cho các cháu hoàn thành vai chơi; hoặc những khi các cháu đã cảm thấy chán vai chơi đó rồi thì tôi cũng cần nhập vào nhóm chơi để tạo thêm tình huống mới nhằm làm cho nội dung chơi phong phú hơn. Tâm lý của các cháu rất thích được chơi với cô nên cô giáo cùng chơi với các cháu là một biện pháp rất hữu hiệu trong việc cung cấp kiến thức, rèn luyện kỹ năng và nề nếp cho các cháu khi chơi.

      2.3: Sau khi cháu chơi xong: Mặc dù các cháu còn rất nhỏ nhưng tôi luôn giáo dục các cháu phụ cô làm những việc vừa sức như dọn dẹp đồ chơi sau khi chơi và cất đồ chơi vào chỗ quy định. Thói quen này rất cần cho các cháu vì qua đó chúng ta vừa giáo dục bảo vệ môi trường vừa rèn nề nếp lớp học. Tuổi nhỏ làm việc nhỏ, những trẻ hiếu động tôi lại cần giao việc cho các cháu làm để cháu ít có thời gian gây mất trật tự trong lớp. Nhờ vậy mà các cháu có được thói quen phụ giúp cô và lớp tôi cũng có thêm nề nếp sau giờ vui chơi.

         Bên cạnh đó, sau mỗi giờ hoạt động chơi tôi thường cho cả lớp tự nhận xét tổ mình trong quá trình chơi đã làm được gì? Trong nhóm có bạn nào ngoan  nhất? Sao con biết? . . . Với cách làm này giúp cho các cháu có ý thức hơn trong giờ vui chơi.

          Ngoài ra sau một ngày hoạt động tôi thường tự nhìn nhận lại và đánh gía quá trình tổ chức hoạt động chơi ngày hôm đó có gì thuận lợi, khó khăn và nguyên nhân của những hạn chế là do chủ quan hay khách quan để từ đó có sự điều chỉnh bản thân mình nếu là lý do chủ quan. Còn neáu vì lý do khách quan thì tôi luôn coá gaéng tìm bieän phaùp ñeå khaéc phuïc caøng sôùm caøng toát.

 III/ Rèn thói quen vệ sinh cho trẻ.

          Đối với trẻ Mẫu giáo việc chăm sóc vệ sinh cho trẻ là công việc mà người lớn phải coi trọng hàng đầu bởi vì cơ thể của các cháu còn rất yếu ớt rất dễ bị nhiễm bệnh. Các cháu 5 tuổi vẫn còn 1 số trẻ chưa biết thể hiện cho người lớn biết mình muốn gì, cần gì. Vả lại khi ở nhà đa số cha mẹ các cháu không rèn cho cháu đi vệ sinh đúng giờ giấc nên khi đến lớp các cháu cứ tiêu tiểu không theo giờ giấc, có cháu không biết kêu cô. . . Điều này nhiều lúc xảy ra cả trong hoạt động học làm tôi rất bối rối. Mấy tuần lễ đầu vào chương trình tôi dạy ít khi được trọn vẹn một tiết nào cả vì cứ đang dạy được một chút là có cháu la khóc vì nhớ mẹ hoặc có cháu tè ra quần . . .Tôi lo lắng nghĩ thầm cứ đà này thì chẳng dạy dỗ gì cả mà năm nay mình lại đăng ký Chiến sĩ thi đua nữa thế nên tôi quyết tâm phải đưa các cháu vào nề nếp vệ sinh như sau:

          3.1: Tập cho cháu có thói quen đi vệ sinh đúng giờ: Sau khi suy nghĩ tìm hiểu lý do cháu đi vệ sinh không theo giờ giấc là do khi các cháu còn nhỏ người lớn không biết tập cho cháu thói quen vệ sinh đúng giờ giấc. Ở gia đình chỉ có 1, 2 cháu nhỏ nên không cho cháu đi vệ sinh theo giờ giấc cũng không thấy bối rối nhưng ở lớp 12 cháu mà không theo giờ giấc làm cho tôi rất bận rộn, lúng túng. Hơn nữa việc rèn nề nếp cho các cháu không chỉ rèn nề nếp trong học tập, vui chơi là đủ mà chúng ta cần chú ý hơn về khâu vệ sinh cho trẻ. Thế là tôi cố gắng chủ động hơn về việc cho các cháu đi vệ sinh theo giờ giấc của lớp để luyện thành thói quen như cho cháu đi vệ sinh vào giờ đón trẻ, trước và sau khi tổ chức hoạt động học, sau khi hoạt động góc. Cứ như vậy tôi kiên trì thực hiện từng ngày và lâu dần không còn tình trạng các cháu xin đi vệ sinh trong giờ hoạt động học nữa và chính nhờ vậy mà các giờ dạy của tôi không còn bị gián đoạn, giảm bớt cho tôi sự lo lắng khi có người đến lớp dự giờ, điều này đã giúp tôi có thêm tự tin hơn trong quá trình giảng dạy.

         3.2: Rèn các cháu có thói quen giữ gìn vệ sinh cá nhân:

            - Rèn cho các cháu có thói quen ăn mặc sạch sẽ, đầu tóc gọn gàng: Một đứa trẻ dễ thương không cần lúc nào cũng phải ăn mặc đẹp mà chỉ cần các cháu mặc quần áo sạch sẽ, gọn gàng là được rồi vì kinh tế của mỗi gia đình mỗi khác không phải gia đình nào cũng có khả năng mua quần áo đẹp đắt tiền cho con mình mặc được. Do đó tôi chỉ yêu cầu cha mẹ các cháu cho cháu mặc đồ sạch sẽ mà thôi. Ngoài ra những cháu do hoàn cảnh cha mẹ đi làm ruộng hay làm mướn không có thời gian để chăm sóc con nên quần áo các cháu chưa được sạch thì tôi nhắc nhở cháu là ngày mai đi học nhớ thay đồ sạch sẽ  . . .

          - Tập cho các cháu có thói quen rửa tay đúng cách: Công việc này rất cần thiết để đảm bảo vệ sinh cho trẻ nhất là trong năm học này dịch bệnh Tay- chân - miệng xảy ra rất thường xuyên và có thể nguy hiểm đến tính mạng của trẻ. Vì vậy tôi luôn quan tâm rèn cho các cháu có thói quen rửa tay bằng xà phòng dưới vòi nước chảy theo các bước quy định vào giờ đón trẻ và sau khi cháu đi vệ sinh cũng như sau khi cháu chơi xong để đảm bảo vệ sinh cá nhân cho trẻ. Lâu ngày thì việc các cháu có thói quen rửa tay đã trở thành nề nếp.

        - Rèn cho các cháu có thói quen nhắc ba mẹ cắt móng tay: Người lớn chúng ta cần rèn thêm cho các cháu thói quen nhắc ba mẹ cắt móng tay vì nếu móng tay cháu không sạch sẽ dễ dàng làm cho cháu bị nhiễm 1 số bệnh qua đường ăn uống ảnh hưởng tới sức khỏe của trẻ. Do đó cứ thứ hai hàng tuần là tôi tiến hành kieåm tra móng tay từng cháu và nếu cháu nào còn móng tay dài là tôi nhắc các cháu về nói ba mẹ cắt móng tay liền. Tuần nào tôi cũng kiểm tra, nhắc nhở lâu dần các cháu đã có  thói quen nhất định thậm chí cứ thứ hai đầu tuần có cháu đi học vào lớp gặp tôi là các cháu đã xòe sẵn 2 tay khoe với tôi là móng tay cháu đã được cắt rồi. Ngoài ra cháu còn để ý xem bạn nào móng tay dài chưa cắt, dơ để nhắc nhở bạn nữa.

IV- Rèn nè nếp cho trẻ trong việc giao tiếp với mọi người xung quanh..

          Mục tiêu của chương trình giáo dục Mầm non mới là phát triển cho trẻ về 5 mặt: Nhận thức, thể lực,  ngôn ngữ, thẩm mỹ và tình cảm xã hội. Do đó ngoài việc chú trọng việc cung cấp kiến thức, ngôn ngữ. . . qua các hoạt động trên lớp thì chúng ta còn phải quan tâm đến việc giúp trẻ phát triển tình cảm xã hội qua quá trình giao tiếp với mọi người xung quanh bé.

        4.1: Rèn cho cháu biết cách xưng hô, nói năng: Do hoàn cảnh gia đình các cháu lớp tôi hầu hết cha mẹ các cháu sống bằng nghề làm ruộng hoặc đi làm mướn nên việc giáo dục con cái chưa được chú trọng vì thời gian cha mẹ gần gũi con rất ít. Hơn nữa trình độ văn hóa của họ không cao nên việc giáo dục các cháu còn nhiều hạn chế. Biết được điều đó nên tôi không những chỉ biết cung cấp kiến thức mới cho trẻ mà tôi còn luôn quan tâm đến việc giáo dục các cháu những kỹ năng sống, tập cho cháu cách nói năng, xưng hô khi giao tiếp với từng người, cháu biết cách dạ thưa, lễ phép. . . Đối với người lớn  tôi tập cho các cháu biết nói dạ thưa trước câu nói hoặc câu trả lời, biêt trả lời nguyên câu đối với những câu hỏi của người lớn, biết cách nói năng lễ độ. . . Đối với bạn bè trong lớp thì tôi tập cho các cháu biết cách xưng hô với nhau là bạn với tôi, biết trao đổi trò chuyện với nhau nhỏ nhẹ, không la lối quát nạt nhau. Nếu như các cháu đã được học qua lớp Mầm, Chồi rồi thì biện pháp này không cần thiết lắm nhưng đối với 1 lớp ở điểm lẻ dân cư thưa thớt, đời sống kinh tế nghèo nàn như ở Ấp hải Hưng thì vấn đề dạy cho cháu nề nếp trong cách xưng hô, nói năng là một việc làm không thừa.

        4.2: Rèn cho cháu cách biểu lộ tình cảm: Ở trẻ nhỏ rất nhạy cảm, trẻ rất muốn bày tỏ cảm xúc, cảm nghĩ của mình nhưng đôi khi các cháu không biết cách thế nào để bày tỏ những suy nghĩ của mình với những người xung quanh nên tôi đã thường xuyên dạy cháu biết quan tâm đến người khác,  tỏ lòng biết ơn khi ai đó cho cái gì hoặc giúp đỡ mình việc gì như Cám ơn cô, cám ơn bạn  . . . hoặc khi làm điều gì có lỗi với người khác tôi liền tập cho các cháu nói xin lỗi để các cháu quen dần và khi lớn lên cháu không cảm thấy ngại ngần khi phải xin lỗi người khác. Đây chính là chúng ta đang cung cấp kỹ năng sống cho trẻ với mọi người xung quanh. Những việc làm, cách nói năng, thái độ của tôi chính là một tấm gương cho các cháu nhìn vào đó mà bắt chước theo. Vì vậy tôi luôn nói cảm ơn cháu khi cháu phụ cô những việc nhẹ nhàng vừa sức như lượm rác trong lớp, nhắc ghế. . . tôi cũng không ngại ngần nói câu xin lỗi cháu khi lỡ làm việc gì đó không phải với các cháu như lỡ đụng vào cháu. . .  Nhờ vậy mà các cháu lớp tôi đã biết nói cám ơn, xin lỗi vào những tình huống xảy ra trong quá trình các cháu hoạt động bên nhau. Đặc biệt hơn là các cháu còn biết quan tâm đến nhau, biết yêu thương đoàn kết với bạn . . .Điều này cũng góp phần không nhỏ trong việc rèn nề nếp cho lớp.

        4.3: Rèn cho các cháu có các hành vi đúng đắn, văn minh: Tôi còn rất chú ý đến việc tập cho các cháu có thái độ, hành vi, ứng xử văn minh ở mọi lúc mọi nơi. Để giúp cho các cháu dễ tiếp thu và có ấn tượng sâu sắc hơn tôi thường xuyên cho các cháu nghe về các câu chuyện kể phù hợp với lứa tuổi của các cháu trong các giờ  vui chơi để qua các câu  đó các cháu có thể bắt chước những cách cư xử, cách giao tiếp của các nhân vật trong câu chuyện vì đối với trẻ chỉ có thấy tận mắt thì các hình ảnh đó mới có thể lưu giữ lâu trong trí nhớ của trẻ được, từ đó giúp trẻ bắt chước những hành vi ứng xử tốt đẹp theo các nhân vật trong chuyện vào cuộc sống hiện tại của trẻ. Với cách này  kỹ năng giao tiếp của trẻ ngày một hoàn thiện hơn.

       Ví dụ: Qua câu chuyện “Bác Gấu đen và hai chú Thỏ”: Các cháu học hỏi được cách biết giúp đỡ người khác, biết cảm ơn người khác, biết tha thứ khi người khác đối xử không tốt với mình . . .

          Bên cạnh đó tôi còn tổ chức cho các cháu đóng vai của 1 số nhân vật trong các câu chuyện kể để qua đó cháu thể hiện được tính cách, hành vi của từng nhân vật tốt, xấu và tập nói những từ, những câu nói có lợi cho cháu trong việc giao tiếp với mọi người xung quanh bé.

         Ngoài ra, tôi còn thường xuyên tìm kiếm và cho các cháu xem các tranh ảnh về những gương tốt, việc tốt xung quanh cuộc sống của trẻ như hình ảnh một em bé đang dẫn một ông cụ già qua đường, hình ảnh các bạn đang lượm rác ở sân trường, hình ảnh một bạn gái đang thay tã cho búp bê . . . để cung cấp thêm cho trẻ những kỹ năng mà trẻ cần trải nghiệm nhiều trong cuộc sống, từ đó phát triển mạnh mẽ tình cảm xã hội cho trẻ một cách nề nếp.

       4.4: Bản thân giáo viên phải là tấm gương tốt cho trẻ: Vấn đề quan trọng   có sự tác động trực tiếp mạnh mẽ và hữu hiệu nhất đó chính là tấm gương nề nếp,  cư xử, đối nhân xử thế của cô giáo hàng ngày diễn ra trước mắt trẻ. Tâm lý của các cháu Mẫu giáo rất hay bắt chước những việc làm của người lớn. Cô giáo là người có thời gian gần gũi các cháu rất nhiều do đó tất cả lời ăn tiếng nói, cách đi đứng, những việc làm, cách giao tiếp ứng xử của cô chính là bài học đầu tiên mà các cháu tiếp thu chứ không phải là những kiến thức xa vời nào cả. Ý thức được điều này tôi luôn cẩn thận trong từng hành vi, câu nói, tiếng cười . . . sao cho không làm ảnh hưởng đến việc rèn nề nếp thói quen cho trẻ. Nếu chúng ta yêu cầu các cháu có những hành vi đúng đắn, văn minh trong cuộc sống hàng ngày nhưng hành động của chúng ta lại trái ngược lại thì sẽ làm phản tác dụng giáo dục. Vì vậy tôi luôn làm việc đúng theo giờ giấc, đi đứng nhẹ nhàng, vui vẻ hòa nhã với mọi người, tác phong làm việc nhanh nhẹn, sắp xếp đồ dùng đồ chơi trong lớp ngăn nắp gọn gàng, tiết kiệm điện nước trong sinh hoạt . . .để cho các cháu làm theo.

          Khi đưa biện pháp này thực hiện thì lớp tôi càng ngày càng nề nếp hơn.

    

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

PHẦN III: KẾT QUẢ

           Sau khi đã nghiên cứu và thực hiện các biện pháp trên vào lớp Lá 1, trường Mầm non Nhơn Hòa từ đầu năm học 2019-2020 thì tôi nhận thấy lớp Lá 1 đã biến chuyển rất nhiều và kết quả cụ thể như sau:

     1- Về phía các cháu:

       - 100 % các cháu đã có nề nếp tốt trong hoạt động học như biết tập trung chú ý trong suốt thời gian tổ chức hoạt động học, khi muốn phát biểu ý kiến biết giơ tay đợi cô kêu tên mới đứng dậy nói, khi nói biết nói tròn câu và rõ tiếng.

- 100 % các cháu biết cách chuyển đội hình trong hoạt động học và biết tham gia hoạt động tập thể một cách nề nếp, hợp tác và đoàn kết.

        - 98 % các cháu biết tham gia hoạt động chơi rất nề nếp như biết tự phân vai chơi với nhau, biết hoàn thành vai chơi của mình. Các cháu biết rủ bạn cùng chơi với mình.

- 100 % các cháu biết giữ vệ sinh khi chơi và biết cất dọn đồ chơi sau khi chơi xong, biết nêu gương và bắt chước những bạn chơi ngoan, không đồng tình với các bạn chơi chưa ngoan.

       - 100 % các cháu có thói quen tốt giữ gìn vệ sinh cá nhân như biết đeo khăn tay khi đi học, biết nhắc nhở cha mẹ cắt móng tay vào hàng tuần, biết cách tự rửa tay theo 6 bước quy định dưới vòi nước chảy. . .

- 100 % các cháu biết cách xưng hô, có nề nếp trong  giao tiếp, biết quan tâm đến những người gần gũi  Biết thể hiện hành vi văn minh ở lớp, tröôøng, ở nơi công cộng.

              2- Về phía cô giáo:

      - Sau những lần Ban giám hiệu đến dự giờ thăm lớp đều khen lớp tôi có nề nếp tốt trong các họat ñoäng.

       - Khi toå chöùc caùc hoaït ñoäng trên lớp tôi caûm thaáy rất tự tin. Nhờ lớp có nề nếp mà các tiết dạy của tôi đều được Ban giám hiệu và các chị em đồng nghiệp đánh giá xếp loại từ loại khá trở lên (các năm học trước chỉ từ trung bình đến khá mà thôi).

        Về phía phụ huynh:

       - 100 %  phụ huynh  học sinh tin tưởng, an tâm gởi con đi học vì khi đến lớp các cháu đã được chăm sóc giáo dục tốt. 100 % Phụ huynh rất đồng tình với cô giáo và kết hợp tốt trong việc rèn các cháu vào nề nếp.

- Nhận thức của cha mẹ các cháu và mọi người về ngành học Mầm non đã được nâng cao hơn nhờ kết quả giảng dạy chăm sóc các cháu đã ngày một thể hiện rõ nét hơn.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

KẾT LUẬN

           Tóm lại, muốn cho các cháu học tập và sinh hoạt trên lớp có nề nếp nhằm mang lại hiệu quả giáo dục cao thì người giáo viên Mầm non ngay từ đầu năm học cần phải quan tâm tới một số công việc như sau:

           Trước tiên giáo viên phải là người không ngại khó ngại khổ, coi các cháu như con em mình, hết lòng thương yêu trẻ. Từ lòng yêu nghề mến trẻ chúng ta mới có thể vượt qua được khó khăn trong quá trình chăm sóc giáo dục cháu. Do đó việc làm đầu tiên của tôi vào đầu năm học là rèn nề nếp học tập cho trẻ. Muốn đưa các cháu vào nề nếp học tập thì tôi cần phải rèn thói quen tập trung chú ý trong giờ học bằng cách giới thiệu hay, bất ngờ để tạo hứng thú khởi đầu cho trẻ, sau đó tạo tình huống và điều kiện cho các cháu được hoạt động liên tục trong giờ học, trong khi cháu hoạt động tôi không quên tập cho cháu nói tròn câu, nói đúng lúc đúng nơi, cách chuyển đội hình linh hoạt, tôi cũng không quên chú ý rèn nề nếp cho trẻ khi cháu hoạt động theo nhóm nhỏ trong hoạt động học.

         Ngoài việc rèn cho cháu có nề nếp trong hoạt động học tôi cũng quan tâm nhiều đến việc rèn nề nếp tốt trước, trong và sau hoạt động chơi như tạo sự mới mẻ ở các góc chơi để kích thích sự tò mò của trẻ, nhập vai chơi cùng cháu để duy trì hứng thú của trẻ, hướng dẫn thêm những kỹ năng kiến thức mới, giúp trẻ nhỏ tuổi mạnh dạn tự tin hơn khi vào các nhóm chơi cùng với các bạn. Bên cạnh đó, tuổi của các cháu còn nhỏ, cơ thể chưa có sức đề kháng như các anh chị lớp lớn nên việc rèn nề nếp vệ sinh cho trẻ phải được coi trọng. Để thực hiện tốt vấn đề đưa các cháu vào nề nếp vệ sinh được tốt thì cô giáo phải thật sự kiên trì tập cho các cháu thói quen vệ sinh theo giờ giấc, phải biết kết hợp chặt chẽ với cha mẹ các cháu để có sự thống nhất giữa gia đình và nhà trường trong việc tập cho các cháu thói quen ăn mặc sạch sẽ, đầu tóc gọn gàng, móng tay luôn cắt ngắn, biết tự giác rửa tay hàng ngày theo các bước quy định. 

        Cuối cùng, chúng ta cũng cần quan tâm đến việc rèn nề nếp trong giao tiếp của trẻ với mọi người xung quanh vì đây là việc làm hết sức quan trọng, nó giúp cho trẻ có thêm được một số  kỹ năng sống cần thiết để trẻ có thể hòa nhập với cuộc sống và giúp cho trẻ phát triển mạnh mẽ về tình cảm xã hội Muốn vậy, chúng ta cần phải giúp trẻ có nề nếp trong cách chào hỏi người lớn, biết thể hiện tình cảm của mình với mọi người, biết ơn người khác hoặc xin lỗi khi mình mắc phải sai lầm, biết thể hiện các hành vi văn minh lịch sự ở mọi lúc mọi nơi. . .Theo tôi đây là vấn đề rất cần thiết không thể thiếu được trong việc rèn nề nếp cho trẻ và chăm sóc giáo dục trẻ trở thành những con người mới phát triển toàn diện.

          Trên đây là những biện pháp mà tôi đã nghiên cứu từ thực tế để đưa vào áp dụng có hiệu quả cao ở lớp Lá 1 điểm Hải Hưng trường Mầm non Nhơn Hòa trong thời gian từ đầu năm học 2019 – 2020 đến nay. Tôi nghĩ rằng những biện pháp nêu trên thì bất cứ lớp Mẫu giáo nào trong Huyện, trong Tỉnh cũng có thể thực hiện phù hợp và mang lại hiệu quả cao.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

 

  1. Tạ Ngọc Thanh- Nguyễn Thị Thư ( 2005) “ Phương pháp đánh giá trẻ trong đổi mới giáo dục mầm non”, nhà xuất bản giáo dục
  2. Trung tâm nghiên cứu chiến lược và phát triển chương trình giáo dục Mầm non ( 2007) “ Hướng dẫn thực hiện đổi mới hình thức tổ chức hoạt động giáo dục”, nhà xuất bản Giáo dục.

    

           

     

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

MỤC LỤC

 

- Lý do chọn đề tài                                                          Trang 1-2

- Thực trạng đề tài                                                           Trang 3-4           

- Các giải pháp                                                                 Trang 5- 20

- Kết quả                                                                           Trang 21-22

- Kết luận                                                                          Trang 23-24

- Tài liệu tham khảo                                                          Trang 25